Vào một buổi sáng mùa đông, cô nhận được tin nhắn từ T. –  một bạn học sinh cũ đã rất lâu không nhận được tin tức. T. đi du học Nhật Bản hoàn toàn do sự sắp xếp của gia đình và là học sinh hiếm hoi của cô lên đường tới Nhật với hành trang đặc biệt: Sự non nớt của tuổi 18 và khả năng tiếng Nhật gần như bằng không. 

Trong trí nhớ của cô, T. được bố dẫn đến trung tâm ngay khi biết tin trượt đại học. Bố em kể không biết cho em học gì, làm gì nên thôi cho em đi du học Nhật Bản biết đâu sau này có cơ hội tìm được việc làm tốt. T. cũng không xác định được mình sẽ làm gì ở thời điểm bấy giờ, nên em nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ .

du học Nhật Bản

Sự hiểu biết của T. về Nhật Bản cũng như tiếng Nhật như một trang giấy trắng. Những ngày đầu học tiếng Nhật, T. cũng rất tích cực học, thuộc bài rất nhanh. Có lẽ đối với em, tiếng Nhật thật mới mẻ, cùng với kế hoạch đi du học Nhật Bản đã tạo cho em sự hứng thú. Nhưng, lượng kiến thức ngày một nhiều, T. nản dần, ý thức học tập trong em không còn nữa. Em không học bài, làm bài tập ở nhà, trên lớp cũng không tập trung, chú ý nghe bài giảng của giáo viên thay vào đó là những cơn buồn ngủ kéo dài. Và, em đã bị rỗng dần kiến thức. Chán học, không muốn học em tìm đến game. Món ăn thay thế hấp dẫn hơn nhiều. Nhiều hôm những trận game đã thành công dụ dỗ T. trốn học. Trốn được một lần sẽ có lần thứ hai, thứ ba, lần thứ n. Bỏ lỡ nhiều kiến thức khiến em không còn muốn đến lớp nữa.

Có lần T. tâm sự với cô em cũng có khi em từng nghĩ bắt đầu học tiếng Nhật lại nhưng không biết bắt đầu từ đâu học như thế nào. Học ở trung tâm không giống như học ở trường tiểu học hay cấp hai luôn có người thúc ép, theo sát. Cô cũng đã đề nghị, hằng ngày T. lên lớp học, phải làm hết các bài tập cô giao, không làm đủ bài tập sẽ ở lại làm đến khi nào xong thì thôi, nhưng hôm được nghỉ sẽ vẫn đến trung tâm cô kèm riêng. Đúng là cách đó có hiệu quả với T. Em học đến đâu chắc đến đó. Nhưng, cũng chỉ áp dụng được với T. hai tuần rồi đâu lại vào đấy. T. lại đi học buổi được buổi không, hẹn đến học thì đúng đến phút chót gọi lại cho cô rằng em ấy bận, rằng gia đình có việc đột xuất không đi học được, rồi vân vân các lý do để không đi học.

Vậy là cứ thế, em lên đường tới đất nước mặt trời mọc với hành trang tiếng Nhật gần như bằng không.

Ngày tiễn chân T. ở sân bay, cô thấy rõ ở em sự lo lắng. Lúc chuẩn bị vào phòng chờ em đã ôm bố òa khóc. T. xa nhà ở cái độ tuổi chưa đủ trưởng thành, chưa nhiều trải nghiệm với cuộc sống không có sự bao bọc, chở che của mẹ cha. T. quay ra nhìn cô với ánh mắt man mác buồn, em nói em sợ. Cô dặn nếu sang đó có chuyện gì thì liên lạc với cô ngay nhé. Em không nói gì và quay đi luôn.

du học Nhật Bản

Những ngày đầu T. không liên lạc gì về Việt Nam, cô biết được em đã làm xong các thủ tục giấy tờ thông qua một giáo viên tại trường Nhật ngữ. Những ngày tiếp sau đó, cô cũng nhắn tin rất nhiều hỏi T. về tình hình học tập ở trường, việc làm thêm,… nhưng không nhận lại được gì ngoài dòng facebook báo “Đã xem”. Cô chỉ biết được rằng T. không chơi với ai, đi học, đi làm cứ lầm lũi đi rồi lầm lũi về thông qua một vài học sinh cũ của cô cũng học cùng trường T.

Chợt tiếng chuông báo hết giờ vang lên khiến cô giật mình trở lại với thực tại. Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu cô lúc bấy giờ là T. đã xảy ra chuyện không hay. Cô vội vào đọc tin nhắn. Như không tin nổi vào mắt mình nữa. Nội dung tin nhắn của em là hỏi thăm tình tình và sức khỏe của các cô ở trung tâm. Chỉ một câu hỏi thăm đơn giản vậy thôi, cũng đủ khiến cô cảm thấy T. đã trưởng thành và chững chạc hơn.

“Cuộc sống tại Nhật không phải màu hồng…”

Hai cô trò bắt đầu một cuộc trò chuyện dài sau đó. Từng đoạn chat dài T. nhắn cho cô. Em bắt đầu kể cho cô nghe lý do vì sao không liên lạc về, vì sao em biến mất. Từ khi bắt đầu sang tới Nhật em bị choáng ngợp với cuộc sống ở đây, ai cũng vội vã, làm việc tới chóng mặt. Không có cảnh người quen gặp nhau ở đường đứng lại câu chuyện câu trò như ở Việt Nam. Cuộc sống du học Nhật Bản khác xa những gì em tưởng tượng.

Ngày đầu mới sang Nhật đi đâu cũng có người dẫn đi, hướng dẫn chi tiết bằng tiếng Việt. Nhưng những ngày sau đó T. phải sống ở ký túc xá với các bạn học sinh của trường không cùng quốc tịch, cùng tiếng nói chung. Ngày đầu tiên đi học T. đã bị lạc tàu do không biết cách đọc bảng giờ tàu. Em không hỏi ai vì không biết nói thế nào, chỉ biết ngước mắt nhìn dòng người tất tả ngược xuôi. Lên tàu, xuống tàu nhiều lần, tốn nhiều tiền mãi em đến được trường. Nhưng lớp học đã bắt đầu, em đi vào lớp như một sinh vật lạ. Và từ đó mọi chuyện bắt đầu. Giáo viên nói rất nhiều toàn bằng tiếng Nhật T không hiểu gì, giáo viên gọi trả lời T. im lặng. Cuộc sống của T. thu hẹp lại nơi góc lớp. Đối với em mỗi ngày đến lớp như một cực hình.

du học Nhật Bản

Cuộc sống xa nhà đòi hỏi du học sinh phải tự lập, tự lo gần như mọi việc (Ảnh minh hoạ)

Cũng như bao du học sinh khác T. cũng đi làm thêm. T. kể rằng em xin được việc làm tại một xưởng làm cơm hộp. Ngày ngày, đi làm T. cũng rất ít khi nói chuyện với ai, chỉ lầm lũi đi về. Việc học ở trường, việc làm ở xưởng đều không giống như em tưởng tượng. Những cuộc gọi của gia đình từ Việt Nam sang em đều lảng tránh, tìm cách trả lời cho có. Chán chường, thất vọng, nhưng em cũng không có động lực tìm cách để thoát khỏi cuộc sống đó. Cho đến một ngày em bị bệnh, nằm một mình trong phòng, em nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè ở Việt Nam. Nhưng làm sao có thể quay về vào lúc này. Bao kỳ vọng của bố mẹ đặt vào em. T. không thể quay về với bàn tay trắng. Cuộc sống tự lập, tự trang trải chi phí du học thật sự không dễ dàng.

“Nếu không tự đứng lên bằng chính đôi chân mình thì không ai có thể dắt mình đi được”

Trận ốm quay quắt đó đã khiến T. hiểu ra rằng, không tự mình phấn đấu, không tự đứng lên bằng chính đôi chân mình thì không ai có thể dắt mình đi được. Em bắt đầu thay đổi hoàn toàn từ cách sống đến cách học. Em tích cực trò chuyện với các bạn trong ký túc xá hơn, tuy có thỉnh thoảng trở thành trò cười của hội bạn. Nhưng sau mỗi lần như thế em lại học được chút chút ngữ pháp hoặc từ vựng hay ho. Chủ động trao đổi bài với các bạn trong lớp, gặp giáo viên để hỏi về các mẫu ngữ pháp hay từ vựng khó hiểu. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường.

du học Nhật Bản

Mỗi ngày em đến xưởng làm sớm hơn để nói chuyện với mọi người, được đồng nghiệp chỉ dạy cho nhiều điều mới thú vị. Giờ đây T. đã có nhiều bạn bè người nước ngoài hơn, đi được nhiều nơi trên đến nước Nhật Bản. Tiếng Nhật của T. đã tốt hơn rất nhiều, em không phải đứng trong top học sinh xuất sắc của lớp nhưng em không còn sợ đến lớp học nữa. T. đã tự tìm cho mình một công việc mới ở khách sạn, em được tiếp xúc giao lưu với mọi người nhiều hơn. Cuộc sống của T. như bước sang một trang mới, đã có sắc đỏ, sắc vàng, không còn một màu xám xịt như trước nữa.
Tháng 12 rồi, T. có tham gia thi năng lực tiếng Nhật trình độ N3, nhưng em còn thiếu chút chút điểm nữa là đỗ rồi. Nhưng đối với cô T. đã có tiến bộ vượt bậc, từ không biết gì, không dám nói đến bây giờ đã tự tin trò chuyện với mọi người, dám vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân đăng ký đi thi. T. dự định trong một năm nữa em sẽ cố gắng hơn nữa để khi tốt nghiệp em sẽ có N2. Và sau đó nữa em sẽ thi lên trường trung cấp, cao đẳng, học chuyên ngành mà em yêu thích.

Có một câu nói của T. làm cô nhớ mãi:

“Đi rồi mới thấm cô ạ. Phải học và tự học”

Có lẽ ai trong chúng ta cũng phải vấp ngã để rồi học hỏi từ đó và trưởng thành. Cô thấy rằng câu chuyện của T. là bài học quý giá với các bạn Du học sinh của Akira sau này nên cô quyết định viết để chia sẻ lại câu chuyện của T. và bài học về sự trưởng thành của em ấy. Ngay từ khi có ý định đi du học Nhật Bản các em nên tích cực học và đặt mục tiêu học  tiếng Nhật lên hàng đầu.

Điều đầu tiên, cô muốn các em hiểu rằng ở Việt Nam học càng được nhiều thì sang Nhật các em sẽ bớt vất vả hơn đặc biệt là phần nghe nói. Có nhiều bạn cho rằng sang Nhật, ở Nhật tiếp xúc với nhiều người Nhật, có nhiều cơ hội giao tiếp, sử dụng tiếng Nhật thì trình độ sẽ tiến bộ nhanh chóng. Nhưng các em phải hiểu rằng môi trường là do chính chúng ta tạo ra. Nếu ở Nhật mà các em không chủ động nói, không giao tiếp với ai, chỉ chăm chăm tìm người Việt để nói chuyện thì cô tin chắc rằng các em có ở cả năm thì tiếng Nhật cũng không khá lên được là bao. Chính vì vậy, dù ở Việt Nam các em chịu khó, chủ động nói chuyện với bạn bè, thầy cô trên lớp bằng tiếng Nhật dù cho đó là những câu đơn giản. Ở nhà các em thường xuyên, nghe nhạc, nghe audio, xem phim. Cô tin rằng năng lực tiếng Nhật của các em sẽ tốt lên. Các em hãy mạnh mẽ đối mặt với nỗi sợ của bản thân đừng lảng tránh chúng, có như vậy chúng ta mới nhanh tiến bộ.

Điều thứ hai, nữa các em phải nhớ rằng, đi du học là đi học. Là học một ngôn ngữ mới, là khám phá văn hóa, là phát triển kỹ năng của bản thân, là mở rộng tầm nhìn, thế giới quan của mình. Vì vậy, cô khuyên các em nên học thêm thật nhiều, tích lũy thật nhiều kiến thức chứ không phải đi kiếm thật nhiều tiền. Khi học tập tại trường Nhật ngữ các em phải chăm chỉ học hơn nữa. Chủ động giao tiếp với mọi người xung quanh bằng tiếng Nhật, kể cả khi không chắc câu mình nói đúng. Ngoài ra, các em cần tập trung, chú ý nghe giảng trên lớp, tìm các công việc có cơ hội nói chuyện nhiều bằng tiếng Nhật. Đừng lầm tưởng rằng sống trong môi trường toàn người bản ngữ thì năng lực ngoại ngữ tự tốt lên. Đó, một sai lầm tai hại. Không có gì đến tự nhiên mà không có sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các em.

Và điều cuối cùng cô muốn nhắn nhủ, trong mỗi các em phải đặt mục tiêu cho chính mình. Mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn, bước đi cụ thể cho mỗi mục tiêu của mình. Sau khi học xong trường Nhật ngữ sẽ làm gì? Học lên đại học? Cao học? Hay đi làm? Làm việc tại  Nhật? Làm việc tại Việt Nam? Tương lai của các em ra sao là do chính các em quyết định.

Du học Nhật Bản là thế. Đó là cơ hội cũng là thử thách với mỗi em học sinh. Nó mang đủ gam màu đỏ, hồng, xám, đen. Dù cho thế nào đi chăng nữa, thái độ bước đi trên con đường các em đã chọn mới là yếu tố quyết định gam màu cho tương lai, cho cuộc đời các em.

du học Nhật Bản

Linh Nguyễn

(Ghi lại theo lời kể của cô L.P.L)


BOX THÔNG TIN:

Các bạn học sinh có băn khoăn gì về việc học tiếng Nhật hoặc du học, làm việc tại Nhật Bản có thể liên hệ trực tiếp văn phòng của Akira:

BỘ PHẬN HỖ TRỢ DU HỌC AKIRA

Văn phòng Việt Nam:

  • VP Hà Nội: Số 22 Ngõ 84 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội
  • VP HCM: 166/6 Thích Quảng Đức, P.4, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

Văn phòng Nhật Bản : Văn phòng Chiba: 千葉県我孫子市台田4-11-3 Chibaken, Abikoshi, Daida 4-11-3

Hotline: 0932769366 – 0902579366