Đây là câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được trong suốt những năm tháng làm tư vấn du học. Đối với tất cả các bạn học sinh và các phụ huynh đang có ý định cho con du học Nhật Bản, tôi mong mọi người sẽ đọc hết bài viết này để hiểu rõ hơn những thứ “được” và “mất” mà việc du học Nhật Bản sẽ mang lại.
1. Du học Nhật Bản – có thực kiếm “trăm triệu” gửi về?
Với chính sách du học vừa học vừa làm của chính phủ Nhật Bản, Du học sinh Nhật Bản được phép làm thêm không quá 28 tiếng/tuần. Các bạn có thể làm rất nhiều công việc khác nhau. Ví dụ như Phục vụ ở quán ăn, chạy bàn, thu ngân siêu thị,… hoặc một số việc ít sử dụng ngôn ngữ giao tiếp như làm ở xưởng chế biến cơm hộp, đồ ăn nhanh, phân chia hàng hóa,… Mức lương làm thêm tại các thành phố lớn như Tokyo, Osaka thường dao động trong khoảng 900 – 1.100 Yên/giờ. Giả sử mỗi tuần làm đủ 28 tiếng và mỗi tháng làm đủ 4 tuần thì số tiền bạn có thể kiếm được là từ 100.000 ~ 123.000 Yên, tương đương với khoảng 20 – 25 triệu đồng.
Nếu chỉ nghe tới số tiền kiếm được mỗi tháng lên tới vài chục triệu đồng cho các việc như rửa bát hay chạy bàn, nhiều bạn hẳn sẽ cảm thấy kiếm tiền tại Nhật rất dễ. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc 2 điều quan trọng sau:
- Thứ nhất, tìm được việc là một chuyện, có làm được công việc ấy lâu dài không lại là chuyện khác. Người Nhật rất tỉ mỉ và cầu toàn. Dù là công việc đơn giản nhưng các quy định, chuẩn mực đều cần phải tuân theo chính xác. Có bạn học sinh đã suýt mất công việc làm thêm đầu tiên chỉ vì đến sau quản lý vài phút. Nếu không thể chịu được áp lực hoặc không thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của công việc thì rất khó làm được lâu dài.
- Thứ hai, giá cả ở Nhật đắt đỏ hơn nhiều lần so với ở Việt Nam. Chi phí sinh hoạt tổng thể ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka dao động từ 70.000 – 90.000 Yên/tháng. Quy đổi sang tiền Việt, mỗi tháng du học sinh ở Nhật phải chi 14 – 18 triệu đồng cho các sinh hoạt hàng ngày. Việc làm 28 tiếng/tuần ở Nhật chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí, sẽ không đủ để chi trả cả học phí nếu không được hỗ trợ từ gia đình. Nếu muốn có thêm tiền để gửi về nhà thì buộc phải làm nhiều việc cùng lúc, làm quá số giờ quy định. Như vậy là vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện, du học sinh có thể bị trục xuất về nước, không thể quay trở lại Nhật nữa. Như vậy, tìm hiểu về chi phí du học Nhật Bản là một trong những yếu tố quan trọng nhất trước khi bạn đưa ra quyết định có thực hiện chuyến đông du của mình hay không.
“Đi làm thêm cũng có thể kiếm vài chục triệu gửi về” là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất khi du học Nhật Bản. Vì sao có những lầm tưởng như vậy? Công ty du học xấu vẽ ra viễn cảnh màu hồng đánh lừa các bạn ư? Chỉ là một phần thôi. Không ít các bạn học sinh và gia đình khi tham khảo thông tin du học cũng chỉ quan tâm đến việc sang đó kiếm được bao nhiêu tiền? Chi phí hết bao nhiêu? Làm thế nào để bay nhanh nhất?… Ít bạn đặt câu hỏi về môi trường học tập, những cơ hội phát triển trong tương lai. Với đa phần các bạn, Nhật Bản là một giấc mơ – nhưng buồn thay là giấc mơ về cơ hội kiếm tiền để gửi về phụ giúp gia đình, chứ không phải giấc mơ về tri thức, về trải nghiệm để trưởng thành trước cuộc đời.
Lời khuyên dành cho các bạn đang chuẩn bị đi du học: trước khi đi hãy xác định rõ mục tiêu du học của mình. Kiếm tiền không sai, nhưng đi du học thì mục đích lớn nhất là học. Đừng để việc làm thêm ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập. Nếu quá sa đà vào việc làm thêm, bỏ bê việc học thì mãi không thể tiến bộ. Hết thời gian học trường tiếng sẽ buộc phải về nước vì không đủ năng lực học tiếp hoặc xin việc tại Nhật. Trở về Việt Nam, tiếng Nhật không tốt, kĩ năng không có, các bạn sẽ quay trở lại vạch xuất phát. Uổng phí thời gian, công sức và cơ hội học tập mà bao nhiêu người mơ ước.
Hãy cố gắng học tiếng Nhật thật tốt, như thế các bạn sẽ tìm được công việc mức lương cao hơn, đỡ vất vả hơn. Hãy sống thật tiết kiệm để giảm bớt áp lực kiếm tiền, từ đó có thể dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc học tập hơn.
2. Cuộc sống du học Nhật Bản: Không phải bức tranh màu hồng
Cuộc sống du học không hề đơn giản. Khó khăn thì nhiều và với mỗi người lại khác nhau, nhưng thường các bạn sẽ gặp phải 3 vấn đề chính:
- Đầu tiên là rào cản ngôn ngữ. Đây là vấn đề gần như du học sinh nào cũng gặp phải, nhất là khi tiếng Nhật vốn là một ngôn ngữ khó. Nếu không thể dùng được tiếng Nhật trong cuộc sống hàng ngày sẽ nảy sinh nhiều bất tiện trong sinh hoạt bình thường. Từ đó tạo ra các áp lực tâm lý khi bạn không thể nhanh chóng bắt kịp với cuộc sống mới.
- Khó khăn thứ hai: Khác biệt văn hóa. Dù cùng ở khu vực châu Á, nhưng văn hóa Nhật Bản có nhiều điểm không giống Việt Nam. Người Nhật nổi tiếng đề cao công việc, kỉ luật và cầu toàn, nhiều khi tới mức cực đoan. Du học sinh sẽ phải sửa từ những thói quen nhỏ nhặt nhất cho phù hợp với môi trường sống và học tập đặc biệt ở đây. Nhiều bạn bị “sốc” văn hóa cũng vì như vậy.
- Thứ ba, phải tự mình xoay sở. Nhiều bạn được gia đình bao bọc từ nhỏ nên các kĩ năng sống, khả năng tự lập còn kém. Ở nhà không biết nấu cơm, rửa bát, tới khi sang Nhật phải tự làm mọi thứ, khó có thể quen ngay được. Hơn nữa, sống xa gia đình, không có người bảo ban sát sao, nhiều bạn có thể dễ dàng bị dụ dỗ, chểnh mảng việc học tập và dính vào tệ nạn, trộm cắp,… lúc nào không hay.
Cuộc sống ở Nhật không phải màu hồng, thậm chí có phần khắc nghiệt. Nhưng nó giống như lò luyện linh đơn, các bạn phải vượt qua thử thách rồi mới lớn lên được. Những áp lực này là không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của các bạn. Nhật Bản không chỉ dạy kiến thức, giúp bạn mở mang tầm mắt mà còn giúp rèn luyện tính cách, hoàn thiện bản thân. Đó là giá trị lớn nhất của việc du học Nhật Bản.
3. Cần trang bị những gì trước khi lên đường du học Nhật Bản?
Dù bạn tự làm hồ sơ du học hay nhờ đến sự hỗ trợ của các trung tâm du học thì việc chủ động tìm hiểu thông tin không bao giờ là thừa cả. Ngoài những thông tin cơ bản như “Điều kiện du học Nhật Bản là gì?”, “Chi phí du học Nhật Bản hết bao nhiêu?”, Hồ sơ thủ tục như thế nào?,… việc tham khảo cả kinh nghiệm du học và chia sẻ của du học sinh đi trước cũng là một cách tốt để có được sự chuẩn bị đầy đủ nhất.
Nên dành nhiều thời gian học tiếng Nhật, cả trước và sau khi sang Nhật. Đương nhiên việc học tiếng Nhật ở Việt Nam sẽ ít nhiều bị hạn chế do các bạn không có môi trường giao tiếp. Tuy nhiên có một lượng kiến thức cơ bản sẽ giúp các bạn hòa nhập với cuộc sống mới nhanh hơn và không bị hụt hẫng khi phải tự lập. Ngoài ra, tiếng Nhật tốt đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm lương cao hơn, công việc đỡ vất vả hơn. Hãy học chăm chỉ, liên tục không ngừng nghỉ. Điều này lứa học sinh nào cũng được khuyên nhưng không phải bạn nào cũng hiểu và thực hiện được.
Để có thể sớm thích nghi với cuộc sống xa gia đình, vừa học, vừa làm, khi còn ở Việt Nam, nên học cách sống tự lập và tự chăm lo cho bản thân. Ví dụ có thể tham gia phụ giúp ba mẹ việc nhà, làm thêm một công việc gì đó cuối tuần… Không cần quá khéo léo, đảm đang, nhưng phải đảm bảo để dù không có người thân kề bên vẫn có thể duy trì cuộc sống. Đặc biệt nên tập dần tính kỉ luật, đúng giờ vì đây là những điều xã hội Nhật rất coi trọng.
Nên có ý thức rèn luyện sức khỏe và hình thành dần các thói quen sinh hoạt điều độ từ bây giờ. Nhiều bạn trẻ không coi trọng phần này, nhưng sang Nhật rồi các bạn sẽ nhận ra. Ở Nhật, khí hậu khắc nghiệt hơn, cuộc sống nhiều khó khăn hơn. Nếu chỉ có ý chí tốt thôi thì chưa đủ, cần phải có sức khỏe, sức bền. Dù các bạn có quyết tâm đến đâu mà nay ốm, mai yếu thì cũng chẳng thể làm được gì. Ngay cả khi xin việc làm thêm tại Nhật, những bạn có vẻ ngoài khỏe mạnh cũng sẽ gây được ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng.
Nếu có sự chuẩn bị đầy đủ thì cuộc sống ở Nhật không đáng sợ đến mức “bát cơm chan đầy nước mắt” như một số du học sinh mô tả. Có thể các bạn sẽ sút đi vài cân, ngủ ít đi vài tiếng và có nhiều việc phải lo toan hơn. Nhưng hãy tin rằng những gì các bạn bỏ ra đều sẽ mang lại kết quả xứng đáng. Miễn có định hướng đúng đắn và quyết tâm học tập, chắc chắn các bạn đều sẽ có được những thành công nhất định.
4. “Săn” Học bổng du học Nhật Bản có dễ không?
Không tự nhiên mà người ta dùng từ “săn” học bổng. Học bổng du học Nhật Bản, cũng như các học bổng du học khác, không dễ đạt được. Dù số lượng nhiều và đa dạng, nhưng mỗi học bổng lại có những yêu cầu khác nhau. Học bổng càng ở bậc cao (đại học, cao học) và càng có giá trị lớn thì yêu cầu cũng càng khắt khe. Kể cả những học bổng hỗ trợ (Không phải học bổng toàn phần) cũng có yêu cầu hoặc ràng buộc nhất định. Tất cả học bổng đều yêu cầu sự nỗ lực từ phía học sinh, không có gì là “cho không” hết.
Trước khi bước vào quá trình “săn” học bổng, các bạn cần xác định rõ khả năng của bản thân để có những bước chuẩn bị hợp lý. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nói vậy không phải để các bạn tự ti hay nhụt chí, mà việc biết lựa chọn mục tiêu phù hợp với mình sẽ giúp các bạn có kế hoạch hiệu quả hơn.
Ngoài các học bổng chính phủ, các tập đoàn của Nhật Bản có nhiều chương trình hỗ trợ dành cho các du học sinh. Đặc điểm chung của các chương trình này là có cả học bổng và chương trình hỗ trợ học phí. Yêu cầu xét tuyển không quá khắt khe, ngay cả những bạn học lực vừa phải cũng có thể xét tuyển, miễn sao bạn cảm thấy phù hợp và đáp ứng được điều kiện của chương trình. Đăng ký tham gia các chương trình như vậy sẽ giúp giảm bớt nỗi lo về chi phí cho các bạn và gia đình so với du học tự trả phí hoàn toàn. Các bạn có thể tham khảo thêm về các chương trình như Học bổng Joho, Học bổng Nishino, Học bổng Kawasugi,… Thông tin về các học bổng này đều được đã chia sẻ đến các bạn trong thời gian vừa rồi.
Du học tự túc cũng là một lựa chọn. Dù tất cả mọi người đều mong muốn có thể đạt được học bổng để giảm thiểu được chi phí, tuy nhiên các bạn cũng đừng nên bị bó buộc vào suy nghĩ “Phải có học bổng mới đi du học”. Các học bổng toàn phần do chính phủ Nhật và các trường đại học trao tặng đều yêu cầu rất cao, tỉ lệ chọi vô cùng lớn. Nếu chỉ chờ đạt được những học bổng ấy rồi mới đi, thời gian tốt nhất của tuổi trẻ có thể trôi qua mà ước mơ du học vẫn không thực hiện được.
Trên thực tế thì chi phí du học Nhật Bản không cao (nếu không muốn nói là thấp hơn nhiều) so với chi phí du học tại Anh, Mỹ, Úc,… trong khi mức độ phát triển và chất lượng đào tạo không hề thua kém. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cho phép du học sinh làm thêm. Các bạn có thể trang trải chi phí sinh hoạt bằng tiền làm thêm này. Du học tự túc nghe có vẻ tốn kém, nhưng với Nhật Bản, đó là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
5. Tạm kết
Du học Nhật Bản không phải là con đường trải hoa hồng. Việc bạn có thể đặt chân tới Nhật Bản để bắt đầu cuộc sống học tập chỉ là bước đầu tiên trong hành trình. Vì vậy trước khi cất bước, hãy đảm bảo mình lên đường với một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Nhiệt huyết và quyết tâm cao độ, nhưng cũng cần tỉnh táo để lựa chọn và quyết định đúng đắn.
Rốt cuộc, “có nên đi du học Nhật Bản hay không?” – Câu hỏi này chỉ có bạn là có câu trả lời chính xác nhất. Hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định, và sau khi đã lựa chọn rồi, hãy làm hết sức mình để chạm tay đến mục tiêu bạn hằng ao ước.
Chúc các bạn chân cứng đá mềm, gặt hái được thật nhiều trải nghiệm và thành công.
T. D. – Akira Education
BOX THÔNG TIN:
Akira Education là một trong những đơn vị đào tạo tiếng Nhật và du học Nhật Bản uy tín tại Việt Nam. Nhờ vào kinh nghiệm định hướng du học sinh và sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Akira đã mang tới rất nhiều chương trình du học Nhật Bản phù hợp và tiết kiệm chi phí nhất cho học sinh Việt Nam
Bộ phận hỗ trợ du học Nhật Bản Akira
- Địa chỉ: Akira Education – Số 22 Ngõ 84 Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội
- Hotline: 0902 579 366
- Email: duhoc@akira.edu.vn