Câu chuyện về hành trình 3 năm chinh phục ước mơ du học Nhật Bản của cậu học trò nghèo. Nhiều biến cố, nhiều khó khăn nhưng nghị lực phi thường và tình người ấm áp đã giúp em thực hiện được ước mơ của mình. Tháng 7 năm 2016, Quý chính thức đặt chân tới Nhật.
Học tiếng Nhật vì một hiểu lầm…
Trượt đại học năm đầu, đi làm công nhân phụ giúp gia đình. Năm thứ 2 thi lại, Quý đỗ Học viện Tài chính. Những năm đó, khắp nơi rộ lên trào lưu học tiếng Anh. Tiếng Anh của Quý không tốt, cũng không tệ, nhưng cậu không có nhiều hứng thú với ngôn ngữ này.
Lý do Quý lựa chọn tiếng Nhật khá… buồn cười. Trong lúc lang thang trên mạng, Quý tìm thấy một thông báo tuyển nhân viên với mức lương tới 30 triệu đồng/tháng, yêu cầu “có bằng N1”. Khi ấy Quý vẫn nghĩ N1 là cấp độ thấp nhất trong tiếng Nhật – “Có N1 thôi, khó khăn gì!”. Thế là cậu bắt đầu tự học tiếng Nhật với mong mỏi học ít, lương cao. “Nếu lúc ấy biết được N1 khó vậy, có lẽ em sẽ chẳng bao giờ bắt đầu học tiếng Nhật”
Tự học tiếng Nhật, rồi học tiếng Nhật ở trung tâm, Quý luôn nỗ lực hết mình, đến mức bác bảo vệ ở trung tâm “phát cáu” vì lúc nào cậu trò cũng ở lại sau giờ học nói chuyện với giáo viên người Nhật thêm gần nửa tiếng. Bạn bè khi ấy đều coi Quý như một kẻ ngược đời – Trong khi cả thế giới học tiếng Anh thì lại chạy theo tiếng Nhật. Quý mặc kệ.
Đến cuối năm 3, một buổi tối, Quý đột nhiên nảy ra ý định đi du học Nhật Bản. “Hay là mình đi du học, ừ cũng được chứ nhỉ, cứ vay đi rồi tính”, chỉ nghĩ thế thôi và Quý quyết. Trước đó mỗi lần nghe nói du học, Quý lại trùng xuống, cảm giác mặc cảm, buồn vì gia đình mình khó khăn, ở quê đâu có tiền để đi. Thế mà giây phút ấy, chàng trai xứ Thanh đã liều lĩnh gạt mọi băn khoăn để theo đuổi một mục tiêu duy nhất “Đi du học ở xứ sở hoa anh đào”. Và hành trình tìm kiếm cơ hội sang Nhật của cậu học trò nghèo bắt đầu.
Khởi đầu đầy gian nan.
Ước mơ du học vừa nhen nhóm chưa được bao lâu thì cơn bão ập đến.
Đó là một chiều tháng 9 thật buồn. Thậm chí đến giờ tâm trí vẫn trở nên tê dại mỗi khi Quý nhớ đến lúc nhận được tin: Bố mất. Chạy vội về phòng trọ trong cơn quay cuồng, thấy mẹ đang vật vã trong nước mắt, chân Quý như trùng xuống và mọi thứ nhạt nhoà dần. Bố Quý mất vì một cơn đột quỵ.
Con đường về quê chưa bao giờ dài đến thế. 4h hơn, đường Phạm văn Đồng tắc thật dài. Nhà xe không đồng ý đợi, dù Quý và mẹ đã hứa trả tiền gấp đôi. Có lẽ ông trời thương 2 mẹ con, vì lốp sau xe khách nổ mà xe phải khởi hành muộn, Quý và mẹ kịp lên xe về với bố. Suốt cả chặng đường về, người mẹ khóc ngất dù đã giao kèo với con trai phải bình tĩnh đến khi phát tang.
Nỗi đau là quá lớn với một chàng trai đại học đang mang trong mình đầy hoài bão và đam mê. Bố mất, sức khoẻ mẹ yếu suy nhược đi từng ngày, anh trai, chị gái cũng gặp khó khăn, công việc không còn như trước. Trong 2 năm ròng, mọi thứ trở nên khắc nghiệt đối với cả gia đình Quý. Bi kịch này đủ để quật ngã tinh thần bất cứ ai, xé tan bất cứ hi vọng nào.
Bão tan dần…
Tưởng như, cơn bão ập đến đã cuốn trôi mọi hi vọng về tương lai đi Nhật. Mọi nhen nhóm đều bị dập tắt. Thế nhưng kì lạ là, sau 2 năm, quyết tâm khi xưa đã trở lại, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Và gian nan ấy đã tôi luyện Quý thành một người đàn ông trưởng thành, có ý chí, có hoài bão hơn bao giờ hết.
Quý quyết tâm săn học bổng du học Nhật Bản.
Con đường xin học bổng chẳng hề dễ dàng, phần vì gia cảnh thiếu thốn, phần vì Nhật Bản không phải đất nước dễ dàng cho bất cứ ai đặt chân đến, chưa nói đến việc cấp học bổng. Hồ sơ, phỏng vấn với một trường xong, mọi thứ tưởng chừng xong xuôi, một ngày nọ Quý nhận được tin: Trường yêu cầu học thêm 6 tháng tiếng Nhật ở Việt Nam, tại trung tâm của trường, học cả ngày, dù khi đó Quý đã đỗ N3. Nếu như vậy, không thể đi làm, không có thu nhập, Quý chẳng thể sống nổi ở thủ đô đắt đỏ này. Quý về công ty gọi ngay cho người hỗ trợ, chị nói dừng học bổng đó và sẽ giúp cho chàng trai ấy tìm một học bổng khác, miễn còn quyết tâm.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chính bản thân Quý đã lựa chọn hướng về phía trước và bước tiếp. Vào thời điểm ấy, đó là điều duy nhất và cũng quan trọng nhất giúp cậu tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Hành trình đi tìm học bổng du học Nhật Bản vẫn tiếp tục
Không lâu sau, Quý chọn 1 học bổng khác, “Học bổng JOHO”. Đây là học bổng trả sau, và học tiếng Nhật, làm thêm ngoài giờ học bằng công việc hộ lí. Tính vốn hợp với các cụ, nên Quý cũng thích nghi nhanh khi tham gia thực tập 1 lớp ở Hà Nội. Chàng trai xứ Thanh lại cố gắng tiếp lần nữa, lần này Quý dành hết tâm sức đánh cược vào học bổng này, không chỉ bản thân mà “chị”, “thầy”, và các anh em phòng du học ở Akira cũng quyết tâm như thế. Lúc ấy Quý cũng đang làm trợ giảng cho Khoá trẻ em ở Akira, chính là nơi Quý được hỗ trợ đi du học. Hoà đồng, vui vẻ, lúc nào cũng tươi cười thân thiện, có lẽ ít ai nghĩ rằng chàng trai này đã phải trải qua nhiều điều đến thế.
Khó khăn chất chồng khó khăn
Sẽ có bạn giật mình khi biết rằng, từ lúc bắt đầu đi xin học bổng lần đầu, Quý đã trải qua 9 lần phỏng vấn, và tức là 9 lần ngồi đối diện với “các người Nhật” và tim muốn bắn ra vì lo lắng. Bản thân vẫn bị đại sứ quán gọi phỏng vấn Visa dù các bạn đi cùng đợt đều đã đỗ, mẹ lại đổ bệnh vào viện, gia đình phải chạy vạy khắp nơi.
Nhưng Quý chưa một lần nghĩ đến chuyện dừng lại.
Phỏng vấn thì phỏng vấn, chạy vạy thì chạy vạy, không có chuyện nào là không có hướng giải quyết. Hết vay tiền, Quý vay vàng, vay dài hạn để đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai. “Khó khăn mới biết chân tình”, bạn Quý họ biết và cảm thông với hoàn cảnh, nên người góp dăm ba triệu, người dư dả thì góp nhiều hơn. Nhiều lúc nghĩ, Quý cũng thấy mình may mắn bởi cái Quý nhận được không chỉ là tiền bạc, mà còn là tấm lòng.
Thành công
Visa đỗ, học bổng đỗ, mẹ khoẻ lại, tài chính lo xong. Tối ngày 10/7/2017, Quý bay sang Nhật.
Chặng đường hẵng còn dài, còn lắm gian khổ, nhưng có lẽ với một người đã “làm bạn kết thân với cả khó khăn và thành công”, mọi gian nan cũng chỉ là thử thách. Một chân trời mới vừa rộng mở cho cậu học trò nghèo với quyết tâm thép. Ước mơ đi du học Nhật Bản không phải của riêng ai. Con đường đến Nhật Bản cũng không dễ dàng với ai hết, ít nhiều, sớm muộn gì cũng có khó khăn. Điều quan trọng nhất chính là thái độ trước những khó khăn đó. Nếu sẵn sàng để giông tố cuộc đời quật ngã hoài bão của bản thân, chắc chắn con đường đi Nhật sẽ chỉ dừng lại ở mức “mơ ước”. Bài học là, đừng để mọi thứ dừng lại ở ngưỡng “ước mơ”, miễn có quyết tâm hoàn thành ước mơ đó, mọi nỗ lực rồi sẽ được đền đáp.
Với nhiều người, Nhật Bản là đất nước giúp họ tôi rèn bản thân. Nhưng riêng với Quý, chúng tôi trộm nghĩ, chàng trai đầy nghị lực này đã được rèn luyện qua chính quá trình thực hiện ước mơ của mình rồi.
“Quý à, một phần của ước mơ đã được thực hiện rồi. Con đường sắp tới còn nhiều khó khăn, nhưng mọi người vẫn luôn ở bên em. Hãy tiếp tục nỗ lực và kiên cường mỗi ngày. Mọi người đều tin rằng em sẽ thành công. Chúc em thật nhiều sức khỏe, may mắn và niềm tin”