Cách làm hồ sơ xin học bổng MEXT

Chắc hẳn các bạn đang săn lùng học bổng du học Nhật Bản đều quan tâm cách thức làm hồ sơ và các điều kiện cần thiết để apply. Dưới đây là Cách làm hồ sơ xin học bổng MEXT theo hiểu biết hiện tại của mình, các bạn có thể tham khảo trước. Nhưng để chắc chắn hơn thì các bạn nên liên hệ trực tiếp với bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Bộ GDĐT để có thông tin chính xác nhất nhé!


Hồ sơ bằng tiếng Việt: 01 bộ

1/ Sơ yếu lý lịch: Bạn có thể dùng mẫu sơ yếu lý lịch được bán ở ngoài.

2/ Bản sao hợp lệ: Photo công chứng sao y bản chính.

Sau khi hoàn thành, bỏ bộ hồ sơ bằng tiếng Việt vào 1 túi hồ sơ, dán Bìa hồ sơ theo mẫu đính kèm của Bộ ra ngoài.

Hồ sơ tiếng Anh: 04 bộ (bậc ĐH)

1/ Nộp bản original/bản chính?

Bản original/bản chính ở đây có nghĩa là bản photocopy có công chứng sao y bản gốc (vì hồ sơ của bạn sẽ không được trả lại nên không thể nộp bản gốc đi được). Bạn đem các văn bằng, giấy tờ ra phường photocopy & công chứng sao y bản chính.

Sau đó, bạn đem bản gốc đi dịch ra tiếng Anh (hoặc tiếng Nhật) và công chứng bản dịch đó là dịch sao y bản gốc tiếng Việt. Đính kèm bản dịch có công chứng này với bản tiếng Việt photo công chứng. Như vậy bạn sẽ có được một bản original.

2/ Bản copy:

Trong hồ sơ tiếng Anh chỉ yêu cầu có 01 bộ hồ sơ là phải nộp bản original, các bộ còn lại chỉ cần bản copy.

Tức là sau khi đã hoàn thành đầy đủ bộ original, bạn photocopy bộ đó ra thành 3 bộ. 03 bộ này không cần công chứng nữa.

3/ Đánh dấu hồ sơ ABCD như thế nào?

Đối với hồ sơ bằng tiếng Anh, bạn phải nộp 4 bộ (bậc ĐH) và đánh dấu 4 bộ đó. Trong đó, bộ original được đánh dấu A.

Một bộ hồ sơ A bao gồm:

1/ Application form

2/ Bản tiếng Việt photocopy có công chứng + bản dịch tiếng Anh có công chứng của:

  • Học bạ cấp 3: 3 năm học PTTH
  • Bảng điểm HK1 năm 1 đại học/Bảng điểm các năm ĐH
  • Bằng tốt nghiệp PTTH
  • Giấy báo trúng tuyển đại học
  • Giấy chứng nhận sinh viên

3/ Thư giới thiệu

4/ Giấy khám sức khỏe

4/ Có tự dịch hồ sơ được không?

Về nguyên tắc, bạn không tự dịch được (trừ khi bạn quen với ai đó làm ở công ty dịch thuật & công chứng!).  Nhưng, để cho kỹ thì nên tự dịch trước, để đối chiếu xem ở ngoài người ta dịch có đúng không (nhiều khi những thuật ngữ chuyên ngành của bạn thì ở ngoài người ta dịch không chuẩn chẳng hạn. Bạn nên dịch sẵn và lưu ý cho người ta những thuật ngữ đó, như vậy nhanh và đảm bảo hơn.)

5/ Điền mục Fields of study như thế nào?

Bạn có thể chỉ điền 1 ngành, có thể điền 2 ngành và cũng có thể điền 3 ngành. Tốt nhất là nên điền cả 3 ngành, nhưng 3 ngành này phải liên quan mất thiết với nhau, để phòng trường hợp bạn không được chọn vào ngành 1 thì có khả năng được chọn vào ngành 2 hoặc 3. Nên ưu tiên ghi ngành được đăng tuyển theo thông báo của Bộ vào ngành số 1.

6/ Khám sức khỏe:

Phải sử dụng mẫu giấy khám sức khỏe đính kèm.

Khám ở các bệnh viện có dịch vụ khám sức khỏe cho du học sinh, ví dụ: bệnh viện Chợ Rẫy ở SG, hoặc bệnh viện Bạch Mai ở HN. Tất nhiên, bạn khám ở bệnh viện khác cũng được, miễn là theo đúng form yêu cầu là được. Chi phí khám khoảng >500ngàn.

7/ Thư giới thiệu:

Sử dụng mẫu đính kèm. Có thể chỉ trả lời những câu hỏi trong mẫu thư giới thiệu đính kèm. Ngoài ra, cũng có thể kèm thêm thư giới thiệu do giáo viên viết riêng.

Sau khi thầy cô viết xong thư giới thiệu (hoặc mình tự viết cũng được, nếu thầy cô đồng ý!) thì photo thành 4 bản, nhờ thầy cô ký tên vào. Sau đó bỏ vào 4 phong bì, lại nhờ thầy cô ký niêm phong trên phong bì.

8/ Bìa hồ sơ tiếng Anh:

Sau khi hoàn thành 4 bộ hồ sơ tiếng Anh thì bỏ vào một túi hồ sơ riêng, dán Bìa hồ sơ bên ngoài.

Bìa hồ sơ tiếng Anh bạn phải tự làm. Format tương tự như bìa hồ sơ tiếng Việt: phía trên là thông tin cá nhân, phía dưới là danh sách hồ sơ có trong túi hồ sơ.

Mình thấy thông báo của Bộ có kèm hướng dẫn rất rất là chi tiết bằng dạng bảng ở bên dưới thông báo, trong đó có ghi cụ thể tên từng hồ sơ, bộ A yêu cầu gì, bộ B yêu cầu gì rất dễ hiểu. Bạn chú ý xem Hướng dẫn chi tiết phía dưới thông báo nhé.

► Kinh nghiệm Apply Học bổng MEXT của cựu học viên Akira