“Chỉ tri thức mới giúp con người làm chủ cuộc sống của mình”

Quách Đức Anh – một cái tên rất quen thuộc trong giới du học sinh tại Nhật Bản, là cử nhân Luật nhưng anh lại quyết tâm lập nghiệp với một trung tâm Tiếng Nhật. 

Trở thành người chia sẻ tri thức

Học hết lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa Đại học, Đức Anh cũng như nhiều bạn học khác: “Khi đó tôi thật sự không biết mình thích gì hay hợp với ngành nghề nào. Điều này cũng dễ hiểu vì 12 năm phổ thông tôi chỉ biết có học và học, chưa từng va chạm với cuộc sống hay bất kì công việc nào”. Không có định hướng cụ thể, anh đăng ký thi vào Đại học Luật đơn giản vì mong muốn của gia đình.

Quyết tâm tự lập ngay từ năm đầu tiên Đức Anh đã lao vào làm thêm. Công việc gia sư, phát tờ rơi hay bán hàng thuê được trả những món thù lao ít ỏi song tiêu tốn không ít thời gian, anh tâm sự: “Tôi đã học tập và làm việc từ 14 đến 16 tiếng ngay cả ngày nghỉ trong suốt nhiều năm. Thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ, tụ tập bạn bè trở nên hiếm hoi. Tôi cũng không lên lớp được thường xuyên và điểm số kém hẳn đi”.

Tuy nhiên sự đánh đổi ấy giúp anh nhận ra: “Nhờ đã bắt đầu đi làm ngay từ năm thứ nhất nên khi tốt nghiệp, ngoài tấm bằng Đại học tôi còn có thêm 1 lợi thế khác là 4 năm kinh nghiệm làm việc. Những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tôi trau dồi và tích góp được trong suốt 4 năm đó đã giúp ích rất nhiều cho công việc sau này. Được trải nghiệm qua nhiều công việc như vậy cũng đã giúp tôi khám phá ra niềm đam mê làm về lĩnh vực giáo dục của mình”.Nhật Bản

 

Những ngày đầu học tập tại đất nước mặt trời mọc, chứng kiến sự tự lập từ mọi người dân Nhật Bản và ngay cả những đứa trẻ nơi đây, một lần nữa củng cố những suy nghĩ của chàng trai mới bước qua tuổi hai mươi. “Khi bạn giúp ai đó bằng cách cho anh ta “con cá” thì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Khi không còn được ai cho “cá” nữa, thì cuộc sống của người đó sẽ trở lại cơ cực và bần hàn như trước. Chỉ có tri thức mới giúp cho con người sống tự lập và làm chủ được cuộc sống của mình”.

Vậy là Đức Anh quyết định mình sẽ làm một nghề nào đó để có thể đem “cần câu” đến cho nhiều người khác, anh lựa chọn học chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Nhật Bản.


Trung tâm “Phiêu cùng Tiếng Nhật”

Những ngày đầu ở Nhật, việc học thực sự là thử thách với Đức Anh khi vấp phải rào cản ngôn ngữ dù đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Cậu nhớ lại: “Trước khi sang Nhật tôi đã học tiếng Nhật được khoảng bốn năm vậy mà không thể giao tiếp và sử dụng trong cuộc sống được. Tôi mất thêm cả năm trời để học lại gần như toàn bộ”. Đức Anh nhận ra đào tạo tiếng Nhật ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, không nhiều cơ sở đào tạo cho học viên có thể nói và sử dụng tốt tiếng Nhật. Tất cả những gì được học chỉ với mục đích thi lấy chứng chỉ, song chứng chỉ lại chẳng có ý nghĩa gì khi mình không thật sự dùng tiếng Nhật được trong cuộc sống.

“Từ khi được học tập tại Nhật Bản, tôi đã mong muốn sau này có thể mở các lớp dạy tiếng Nhật theo phương pháp giảng dạy và học tập của Nhật Bản, để giúp các bạn học viên có thể học tiếng Nhật một cách hiệu quả nhất”, anh chia sẻ.

Sau những năm tháng học tập tại Nhật Bản, thay vì ở lại Nhật làm việc với mức lương từ 50 đến 60 triệu một tháng, Đức Anh từ bỏ tất cả trở về Việt Nam dạy học với thu nhập chỉ bằng một phần mười. Quyết định của anh đã gặp không ít sự phản đối của gia đình, người thân. Cái nhìn ái ngại không chỉ về kinh tế mà còn bởi kế hoạch ấy quá bấp bênh. Nhưng khó khăn thực sự xuất hiện khi trung tâm bắt đầu hoạt động. “Việc áp dụng phương pháp dạy và học theo kiểu Nhật vào Việt Nam không hề đơn giản. Vì học sinh Việt Nam đã quen với cách học thụ động từ lâu, bây giờ học theo kiểu chủ động và tự lập của học sinh Nhật, nhiều bạn không theo được”.

Những thứ tưởng chừng dễ dàng trở nên vô cùng thách thức, sau những thất vọng nặng nề, anh không ngừng cải thiện bài giảng và phương pháp giảng dạy. “Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, tôi đã có được những chương trình phù hợp hơn với các bạn Việt Nam. Trung tâm hoạt động ổn định và được nhiều học viên tin tưởng”.

Không chỉ dạy tiếng Nhật, Đức Anh luôn tìm cách để đưa thêm vào lớp học những điều cần thiết cho các bạn học viên: “Ngoài dạy ngôn ngữ tôi luôn cố gắng đưa những nét đặc sắc của Nhật Bản vào bài giảng của mình. Tôi hi vọng các học viên của mình sẽ không chỉ thành thạo tiếng Nhật mà còn có sự hiểu biết về đất nước và con người Nhật Bản.” Bên cạnh việc nâng cao chất lượng bài giảng, Đức Anh cố gắng mở rộng quy mô lớp học để có thể giảm học phí. Anh cho rằng mức học phí rẻ sẽ giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận lớp học và việc phổ cập tri thức trở dễ dàng hơn.

Thời gian 2 năm trở lại đây, Đức Anh rất tích cực tìm kiếm những phương pháp giáo dục hay dành riêng độ tuổi nhỏ từ 6 đến 14, bởi vì anh nhận ra, để tương lai tốt đẹp cần phải thay đổi và đầu tư từ rất sớm. Và từ đó, chương trình Tiếng Nhật Cho Trẻ Em đã được đưa vào giảng dạy. Ngoài phương pháp, anh cũng tích cực tìm kiếm những cá nhân tâm huyết với chuyên môn giảng dạy cao để có thể triển khai áp dụng vào chương trình học, chương trình vốn được các bậc phụ huynh yêu cầu cao hơn nhiều, đòi hỏi sự đầu tư bài bản và chất lượng cao hơn trước đây.

Tự nhìn thấy chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng được làm việc mình yêu thích giúp Đức Anh có rất nhiều cảm hứng và niềm say mê để từng bước tiến về phía trước.

đội quân hùng hậu của Akira


Đọc thêm:

Báo Thanh niên viết về anh Đức Anh
Du học Nhật Bản – Akira Education trên báo Dân trí

Trả lời phỏng vấn trên báo Thanh niên

Thực hiện: Đinh Nha Trang