Học tiếng nhật cùng Akira


Là quốc gia khai thác thuỷ sản lâu đời  nhất thế giới, có thói quen ăn thuỷ sản từ  thời khai quốc nên Nhật Bản coi thuỷ sản  là nguồn thực phẩm chính của họ. Vì vậy,  ngư nghiệp Nhật Bản đóng vai trò quan trọng  trong việc cung cấp, quản lý và tái thiết  nguồn lợi thuỷ sản, đảm bảo sự ổn định  bền vững nguồn thực phẩm trong nước.

Nhật Bản là quốc gia khai thác thủy sản lâu đời trên thế giới

Từ thập kỷ 50 đến những năm đầu thập kỷ 80, Nhật Bản đã đẩy mạnh việc phát triển nghề cá, đặc biệt là nghề khai thác cá biển. Nghề cá Nhật Bản hoạt động trên phạm vi rộng lớn, bao gồm khai thác ven bờ, khai thác xa bờ và khai thác viễn dương. Ngoài ra, nghề nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nghề nuôi biển đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản thế giới. Nhật Bản còn dẫn đầu thế giới về công tác bảo vệ nguồn lợi biển và nhân giống thuỷ sản từ năm 1951, nhằm nâng cao sản lượng và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Các chính sách và hệ thống pháp luật về nghề cá và thương mại thuỷ sản của Nhật Bản cũng được hình thành và thay đổi cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước này.

Ngư dân Nhật dùng lưới bắt cá heo

Ngư dân Nhật dùng lưới bắt cá heo

Suốt trong nhiều năm, số cá Nhật Bản đánh bắt được lớn hơn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Người Nhật cũng tiêu thụ một lượng lớn cá và các hải sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng như các quốc gia có ngành ngư nghiệp phát triển khác đều phải chứng kiến tình trạng cạn kiệt của các ngư trường ven biển và xa bờ.

Chợ cá Tsukiji, Tokyo

Chợ cá Tsukiji, Tokyo

Ngư nghiệp Nhật Bản tuột dốc do trữ lượng cá ở các vùng nước ven biển cạn kiệt và những quy định quốc tế về hạn chế đánh bắt cá ở các vùng biển sâu. Hiện nay ngư nghiệp nước này chỉ còn xếp thứ ba trên thế giới. Để bù đắp sản lượng cá thiếu hụt, Nhật Bản phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản. Nước này còn tăng số lượng hàng thuỷ hải sản nhập khẩu, năm 2002 đạt 3,88 triệu tấn. Cá vẫn đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn và chiếm gần 40% lượng protein động vật được hấp thụ của người Nhật – con số này cao hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây.

Sự sụt giảm số tàu đánh cá đã tác động mạnh tới nhiều cộng đồng ngư dân. Trong vòng 30 năm qua, số việc làm trong ngành ngư nghiệp đã giảm gần một nửa và đến năm 2002 chỉ còn 243.330 việc làm. Các cộng đồng ngư dân chịu ảnh hưởng nhiều vấn đề, từ sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường cho đến ô nhiễm nước. Tuy nhiên vấn đề chính là do sự đánh bắt bừa bãi ở ven bờ. Cá bị đánh bắt quá nhiều dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái. Hệ quả là số tàu đánh cá giảm, kéo theo sự hình thành những khu thất nghiệp ở một số vùng ven biển.


DU HỌC CÙNG AKIRA

CẨM NANG DU HỌC NHẬT BẢN